Triết học Emma_Goldman

Chủ nghĩa vô chính phủ

Chủ nghĩa vô chính phủ là trung tâm thế giới quan của Goldman và ngày nay bà được xem là một trong những nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử học thuyết vô chính phủ. Trong bài Chủ nghĩa vô chính phủ và Những tiểu luận khác thuộc cuốn sách cùng tên, bà viết:

Chủ nghĩa vô chính phủ, do đó, thực sự đại diện cho sự giải phóng tinh thần con người khỏi sự thống trị của tôn giáo; sự giải phóng thể xác con người khỏi sự thống trị của tài sản; sự giải phóng khỏi những gông xiềng và hạn chế của chính phủ. Chủ nghĩa vô chính phủ đại diện cho một trật tự xã hội dựa trên sự tập hợp tự do của những cá nhân vì mục đích tạo ra sự phồn vinh xã hội thực sự; một trật tự sẽ đảm bảo mọi người tự do tiếp cận với trái đất và sự tận hưởng đầy đủ những nhu cầu cuộc sống, dựa theo ham muốn, sở thích và những khuynh hướng cá nhân.[158]

Chủ nghĩa vô chính phủ của Goldman mang đậm tính cá nhân. Bà tin rằng các nhà tư tưởng vô chính phủ cần phải sống đúng với niềm tin của mình, thể hiện nhận thức trong mỗi hành vi và lời nói. "Tôi không quan tâm liệu lý thuyết của một người về ngày mai có đúng không", bà từng viết."Cái tôi quan tâm là liệu tinh thần của anh ta của ngày hôm nay có đúng không."[159] Chủ nghĩa vô chính phủ và hội nhóm tự do là sự đáp trả logic của bà với những hạn chế của sự kiểm soát của chính phủ và của chủ nghĩa tư bản. "Đối với tôi dường như chúng là những lối sống mới," bà viết," và chúng sẽ thay thế những thứ cũ, không phải bằng rao giảng hay bỏ phiếu, mà bằng cách sống theo chúng."[159]

Đồng thời, bà tin rằng phong trào vận động vì tự do con người phải được tiến hành bởi những con người đã được giải phóng. Có một tối khi khiêu vũ bên cạnh những người bạn vô chính phủ, bà bị một người bạn chê trách vì lối cư xử thoải mái. Trong tiểu sử của bà, bà kể lại:

Tôi bảo anh ta rằng anh lo việc của mình đi, tôi phát mệt với việc Lý tưởng không ngừng bị quẳng vào mặt mình. Tôi không tin rằng một Lý tưởng đại diện cho một chính nghĩa cao đẹp, cho chủ nghĩa vô chính phủ, cho sự tự do và giải phóng khỏi những ước lệ và định kiến, phải đòi hỏi sự từ bỏ cuộc sống và niềm vui. Tôi khẳng định rằng Lý tưởng của chúng không đòi hỏi tôi phải sống như một nữ tu và rằng phong trào không nên biến thành một tu viện. Nếu nó quả như vậy [tức biến thành một tu viện-chú thích], thì tôi không muốn có nó. "Tôi muốn tự do, quyền tự do biểu hiện, quyền mọi người được hưởng những điều đẹp đẽ, rực rỡ."[160]

Chiến thuật sử dụng bạo lực

Khi còn trẻ, Goldman xem bạo lực có chọn lọc mục tiêu là một trong những biện pháp đấu tranh cách mạng chính đáng. Goldman khi đó tin rằng việc sử dụng bạo lực, cho dù đáng ghê tởm, có thể biện minh được khi xét tới lợi ích cho toàn xã hội mà nó sinh ra. Bà từng cổ vũ cho cái gọi là tuyên truyền bằng chiến công-attentat, hay dùng bạo lực để gây tiếng vang kêu gọi quần chúng nổi dậy. Bà từng ủng hộ Alexander Berkman trong nỗ lực ám sát nhà công nghiệp Henry Clay Prick, và thậm chí cầu xin ông cho bà tham dự.[161] Bà tin rằng những hành động của Frick trong vụ bãi công Homestead đáng lên án và ám sát ông sẽ tạo ra kết quả tích cực đối với tầng lớp lao động. "Vâng", sau này bà viết trong tiểu sử, "mục đích trong trường hợp này biên minh cho phương tiện."[161] Trong khi bà không bao giờ dứt khoát ủng hộ vụ ám sát Tổng thống Hoa Kỳ William McKinley của Leon Czolgosz, bà bảo vệ những lý tưởng của ông này và tin rằng những hành động như của ông là một hệ quả tự nhiên của những thể chế áp bức. Như bà viết trong "Tâm lý học về Bạo lực Chính trị": "những sức mạnh tích tụ trong đời sống xã hội và kinh tế của chúng ta, đạt đến tột đỉnh trong một hành động bạo lực, tương tự như những cơn thịnh nộ của không khí, thể hiện trong bão giông sấm chớp."[162]

Trải nghiệm của bà ở Nga khiến bà phải nhìn nhận lại niềm tin trước đây rằng mục đích cách mạng có thể biện minh cho phương pháp bạo lực. Trong lời bạt cho "Sự vỡ mộng của tôi ở Nga", bà viết: "Không có sai lầm nào lớn hơn là niềm tin rằng những mục đích và mục tiêu là một thứ, trong khi phương pháp và chiến thuật là thứ khác... Phương tiện được sử dụng trở thành, thông qua thói quen cá nhân và thực tiễn xã hội, từng phần rồi từng phần của mục đích cuối cùng..." Trong cùng chương đó, bà khẳng định rằng "Cách mạng thực chất là một quá trình bạo lực," và ghi nhận rằng bạo lực là "bi kịch không thể tránh khỏi của những biến động cách mạng..."[163] Một vài người diễn dịch sai những bình luận của bà về bạo lực Bolshevik như là sự từ chối tất cả các lực lượng đấu tranh bạo lực, nhưng Goldman đã chỉnh lại trong lời tựa ấn bản thứ nhất ở Mỹ của "Sự vỡ mộng của tôi ở Nga":

Với lập luận rằng sự phá hủy và khủng bố là một phần của cách mạng tôi không hề tranh cãi. Tôi biết rằng trong quá khứ mọi sự thay đổi chính trị và xã hội vĩ đại cần đến bạo lực... Chế độ nô lệ da đen có thể vẫn là một thể chế hợp pháp ngày nay ở Hoa Kỳ nếu không có tinh thần đấu tranh của John Browns. Tôi chưa bao giờ chối bỏ rằng bạo lực là không thể tránh khỏi, và bây giờ tôi cũng không nói ngược lại điều đó. Vâng sử dụng bạo lực trong giao chiến, như một biện pháp tự vệ là một chuyện. Biến nó thành một nguyên lý về chủ nghĩa khủng bố, thể chế hóa nó, gán cho nó vị trí quan trong nhất trong đấu tranh xã hội lại là chuyện khác. Những thứ chủ nghĩa khủng bố đó sinh ra phản cách mạng và chính nó trở thành phản cách mạng.

Golman xem sự quân phiệt hóa xã hội Soviet không phải là kết quả của tự thân cuộc kháng chiến vũ trang (chống Bạch vệ và nước ngoài can thiệp), mà là của viễn kiến chủ nghĩa nhà nước tập quyền của những người Bolshevik, viết rằng "một thiểu số không đáng kể kiên quyết tạo nên một Nhà nước tập quyền tất yếu dẫn đến đàn áp và khủng bố."[164]

Chủ nghĩa tư bản và lao động

Goldman tin rằng hệ thống kinh tế của chủ nghĩa tư bản không thể tương thích với tự do con người. "Yêu cầu duy nhất mà tài sản ghi nhận," bà viết, "là sự khao khát thèm thuồng của chính nó đối với sự giàu sang ngày một lớn lên, bởi vì giàu sang có nghĩa là quyền lực; quyền lực để khuất phục, để đè nén, để bóc lột, quyền lực để nô dịch, để xúc phạm, để băng hoại."[165] Bà cũng lập luận rằng chủ nghĩa tư bản phi nhân bản hóa công nhân, "biến người sản xuất thành một phần tử thuần túy của một cỗ máy, với ít lý trí và khả năng quyết định hơn ông chủ bằng sắt thép của anh ta."[165]

Ban đầu chống lại bất kỳ thứ gì khác ngoài một cuộc cách mạng hoàn toàn, quan điểm của Goldman bị thách thức trong một buổi nói chuyện bởi một công nhân lớn tuổi trong số thính giả. Trong tiểu sử, bà thuật lại:

Ông ấy nói rằng ông hiểu sự thiếu kiên nhẫn của tôi với những yêu cầu nhỏ nhoi như thể giảm vài giờ làm mỗi ngày, thêm vài đô la mỗi tuần... Nhưng những người ở tuổi ông phải làm gì? Họ chắc không sống nổi để nhìn thấy sự lật đổ chung cục hệ thống tư bản chủ nghĩa. Phải chăng họ cũng phải nhịn luôn sự giải phóng có lẽ hai giờ một ngày khỏi công việc mà họ căm ghét? Đó là tất cả những điều mà họ hi vọng có thể thành hiện thực trong đời mình.[30]

Goldman nhận ra rằng những nỗ lực nhỏ hơn để cải thiện đời sống người lao động như tăng lương, giảm giờ làm có thể là một phần của một cuộc cách mạng xã hội.

Nhà nước-Chủ nghĩa quân phiệt, nhà tù, bỏ phiếu, phát biểu

Goldman xem nhà nước về cơ bản và không thể tránh khỏi là một công cụ để kiếm soát và thống trị. Do đó, Goldman tin rằng bỏ phiếu khá nhất thì là vô dụng và tệ nhất có thể là nguy hiểm. Bầu cử, bà viết, cung cấp một ảo tượng về sự tham gia trong khi che giấu cấu trúc thực sự của việc ra quyết định chính trị. Thay vào đó, Goldman cổ vũ cho phản kháng dưới dạng bãi công, biểu tình, và "hành động trực tiếp nhắm vào thẩm quyền xâm phạm của lề thói luân lý của chúng ta".[166] Bà duy trì thái độ chống bầu cử ngay cả khi những người nghiệp đoàn-vô chính phủ trong những năm 1930 ở Tây Ban Nha bỏ phiếu cho một nền cộng hòa tự do. Goldman viết rằng bất kỳ quyền lực nào mà những người vô chính phủ nắm được như một khối cử tri nên thay vào đó dùng vào việc bãi công khắp cả nước.[167] Bà bất đồng với phong trào đòi quyền phổ thông đầu phiếu cho phụ nữ. Trong tiểu luận "Quyền bầu cử cho Phụ nữ", bà chế nhạo ý tưởng rằng sự tham gia của phụ nữ sẽ truyền cho nhà nước dân chủ một định hướng công bằng hơn: "cứ như thể phụ nữ không bán lá phiếu của họ, cứ như thể các chính trị gia phụ nữ không thể bị mua chuộc!"[168] Bà đồng tình với quan điểm của những người ủng hộ phổ thông đầu phiếu rằng phụ nữ bình đẳng với đàn ông, nhưng không đồng ý rằng chỉ riêng sự tham gia của họ sẽ khiến cho nhà nước công chính hơn. "Do đó, để giả định rằng người phụ nữ sẽ thành công trong việc thanh tẩy một thứ miễn dịch với sự thanh tẩy, là gán cho cô ta những quyền năng siêu nhiên."[169]

Goldman cũng là một người kịch liệt chỉ trích hệ thống nhà tù, lên án cả cách đối xử với tù nhân lẫn căn nguyên xã hội của tội phạm. Goldman xem tội phạm là một sự sản phẩm tự nhiên của một hệ thống kinh tế bất công, bà trong tiểu luận "Nhà tù: Một Tội ác và Thất bại của Xã hội", bà trích những đoạn dài từ Fyodor DostoevskyOscar Wilde về nhà tù, và viết thêm:

Năm này qua năm khác cánh cổng địa ngục lao tù trả lại thể giới một đám người héo mòn, biến dạng, mất nghị lực, sụp đổ, với dấu ấn Cain[chú thích 3] trên trán họ, niềm hy vọng tiêu tan, tất cả những khuynh hướng tự nhiên của họ nguội lạnh. Không có gì ngoài đói nghèo và sự vô nhân bản đón chào họ, những nạn nhân này sớm lại sa vào con đường tội phạm như là khả năng tồn tại duy nhất.[171]

Goldman cũng là một người phản đối chiến tranh nhiệt thành, tin rằng chiến tranh do các nhà nước gây ra nhân danh cho những nhà tư bản. Bà đặc biệt chống lại việc cưỡng bách tòng quân, xem nó là một trong những dạng áp bức tồi tệ nhất của nhà nước, và là một trong những người sáng lập nên Liên minh Không đăng lính-nguyên nhân khiến cho bà bị bắt giữ (1917), tống giam và trục xuất (1919).

Goldman thường xuyên bị theo dõi, bắt giam và bỏ ngục vì những diễn văn và hoạt động tổ chức để ủng hộ công nhân bãi công, ủng hộ phụ nữ tiếp cận biện pháp tránh thai, và phản đối Chiến tranh thế giới thứ nhất. Kết quả là bà trở nên tích cực trong phong trào đòi tự do ngôn luận đầu thế kỷ 20, xem tự do biểu đạt như một thứ thiết yếu căn bản để đạt được thay đổi xã hội.[172][173][174][175] Sự đấu tranh mạnh mẽ cho những lý tưởng của bà, đương đầu với những hành động đàn áp không ngừng, đã gây cảm hứng cho Roger Baldwin, một trong những người sáng lập Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ.[176]

Chủ nghĩa nữ quyền và luyến ái

Những người theo phái nữ quyền vô chính phủ tại một buổi biểu tình chống toàn cầu hóa giương khẩu hiệu trích dẫn Emma Goldman: "To the Daring Belongs the Future".

Mặc dù bà không tán thành với những mục tiêu quyền bầu cử của chủ nghĩa nữ quyền cuối thế kỷ 19-đầu thế kỷ 20, Goldman nhiệt liệt cổ vũ cho quyền của phụ nữ, và ngày nay được xem như một người sáng lập nên chủ nghĩa nữ quyền vô chính phủ, thánh thức chế độ phụ quyền như một thể chế cần phải chống lại bên cạnh quyền lực nhà nước và phân chia giai cấp.[177] Năm 1897, bà viết: "Tôi đòi hỏi sự độc lập cho phụ nữ, quyền của phụ nữ tự lo cho bản thân mình; sống cho riêng mình; yêu bất cứ ai mình muốn, hay có bao nhiêu người yêu tùy thích. Tôi đòi hỏi tự do cho cả hai giới, tự do hành động, tự do trong tình yêu và tự do trong việc làm mẹ."[178]

Được đào tạo như một y tá, Goldman là một trong những người ủng hộ rất sớm việc giáo dục phụ nữ về các biện pháp tránh thai. Như nhiều nhà đấu tranh nữ quyền cùng thời, bà xem phá thai là một hậu quả bi thảm của điều kiện xã hội, và kiểm soát sinh đẻ là một sự thay thế tích cực. Goldman cũng là một người ủng hộ tự do yêu đương, và là một người chỉ trích mạnh mẽ hôn nhân. Bà xem những người đấu tranh nữ quyền giai đoạn đầu khác bị hạn chế trong lĩnh vực của họ và bị bó hẹp bới những lực lượng xã hội của Thanh giáo và chủ nghĩa tư bản. Bà viết: "Chúng ta cần có sự phát triển không bị ngăn trở khỏi những truyền thống và thói quen cũ. Phong trào giải phóng phụ nữ đến nay mới chỉ đi được bước đầu tiên theo đường hướng đó."[179][180]

Goldman cũng là một người chỉ trích mạnh mẽ những thành kiến chống lại đồng tính luyến ái. Niềm tin của bà rằng sự giải phóng xã hội phải mở rộng tới những người đàn ông và phụ nữ đồng tính hầu như chưa được ai nói tới ở thời đó, ngay cả trong số những người vô chính phủ.[181] Như nhà giới tính học Magnus Hirschfeld nhận định, "bà là người phụ nữ đầu tiên và duy nhất, thật ra là người Mỹ đầu tiên và duy nhất, đảm nhận việc bảo vệ tình yêu đồng tính trước công chúng."[182] Trong nhiều diễn văn và thư từ, bà bảo vệ quyền của người đồng tính được yêu như họ mong muốn và kết án những nỗi sợ và sự nhơ nhuốc bị gán cho đồng tính luyến ái. Như Goldman viết trong một lá thư cho Hirschfeld, "Thật là một bi kịch, tôi cảm thấy, rằng những người với những loại giới tính khác nhau rơi vào một thế giới thể hiện quá ít sự hiểu biết đối với đồng tính luyến ái và thờ ơ một cách ngu xuẩn với những mức độ và biến thể khác nhau của giới tính và ý nghĩa lớn lao của điều đó trong cuộc sống."[182]

Chủ nghĩa vô thần

Là một người vô thần nhiệt thành, Goldman xem tôn giáo là một công cụ khác, bên cạnh nhà nước, để kiểm soát và thống trị. Luận văn "Triết học của Chủ nghĩa vô thần" của bà trích dẫn Bakunin trong nhiều đoạn và thêm vào:

Một cách có ý thức hay không có ý thức, hầu hết những người hữu thần thấy trong thần thánh và ma quỷ, thiên đường và địa ngục, ân thưởng và trừng phạt, một ngọn roi để quất con người đưa vào sự tuân lời, yếu đuối và mãn nguyện... Triết học của chủ nghĩa vô thần biểu hiện sự mở rộng và phát triển của tinh thần con người. Triết học hữu thần, nếu có thể gọi là một thứ triết học, thì tĩnh tại và cố định.[183]

Trong những luận văn như "Sự đạo đức giả của Thanh giáo" hay bài diễn văn có tựa đề "Sự thất bại của Cơ đốc giáo", Goldman tạo ra không ít kẻ thù trong những cộng đồng tôn giáo bằng cách tấn công những thái độ luân lý và nỗ lực của họ nhằm kiểm soát hành vi của con người. Bà lên án Cơ đốc giáo phải chịu trách nhiệm về "sự kéo dài vĩnh hằng một xã hội nô lệ", lập luận rằng nó quyết định những hành động của mỗi cá nhân trên đời và cung cấp cho người nghèo một lời hứa giả mạo về một cuộc sống no đủ ở thiên đường.[184] Là một người Do Thái, bà cũng lên án chủ nghĩa phục quốc Do Thái, mà bà xem là một thí nghiệm thất bại nữa về kiểm soát nhà nước.[185]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Emma_Goldman http://divergences.be/spip.php?article425&lang=fr http://ditext.com/goldman/russia/russia.html http://www.doollee.com/PlaywrightsR/rogoff-lynn.ht... http://www.emmagoldman.com/index.shtml http://movies.nytimes.com/movie/40771/Reds/awards http://query.nytimes.com/gst/abstract.html?res=940... http://query.nytimes.com/gst/abstract.html?res=9A0... http://query.nytimes.com/gst/abstract.html?res=9A0... http://query.nytimes.com/gst/abstract.html?res=9D0... http://query.nytimes.com/gst/abstract.html?res=9D0...